Thận trọng với sản phẩm có màu bắt mắt
Tình trạng sử dụng phẩm màu sai quy định đang diễn ra khá phổ biến tại các nơi chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng vẫn hàng ngày sử dụng các sản phẩm có chứa phẩm màu mà không hề hay biết tác hại khôn lường của chúng.
Sử dụng phẩm màu làm thực phẩm bắt mắt hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn đối với sức khoẻ con người
Có thể nói, phẩm màu có mặt trong phần lớn các món ăn hàng ngày của chúng ta, trong các thực phẩm chế biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, thạch hoa quả, sản phẩm chế biến sẵn từ thịt, thủy sản, đồ hộp…
Phẩm màu có 2 loại, phẩm màu tự nhiên và phẩm màu tổng hợp. Trong đó, phẩm màu tự nhiên là các sắc tố được chế xuất từ các bộ phận của cây như lá, hoa, củ, hạt… như củ nghệ, hạt điều, lá cẩm, ớt khô…, hoặc từ động vật chủ yếu là côn trùng… hiện rất được người tiêu dùng ưa thích vì yếu tố sức khỏe, nhưng lại khó chế xuất, do đó giá thành sản phẩm cao.
Chính vì vậy, đa số các công ty đều ưa chuộng phẩm màu tổng hợp vì chúng rẻ tiền, màu sắc ổn định và tươi hơn phẩm màu tự nhiên. Cũng chính vì lý do đó mà các doanh nghiệp sử dụng phẩm màu tổng hợp một cách tuỳ tiện, sai quy định.
Theo Viện Kiểm nghiệm ATVSTP, năm 2001, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3742 /2001/QĐ-BYT về “Quy định Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”, tuy nhiên do quá lạm dụng các chất phụ gia, một số nhà sản xuất đã dùng quá hàm lượng cho phép.
Mặt khác, để giảm chi phí trong sản xuất một số nhà sản xuất đã gian dối sử dụng chất phụ gia công nghiệp (thay vì chất phụ gia thông thường sử dụng trong chế biến thực phẩm) để cho vào thực phẩm, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khoẻ, gây ngộ độc cấp và mạn tính. Nếu lạm dụng phẩm màu, và sử dụng lâu dài đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp có thể gây ung thư.
Chè ngon hơn nhờ phẩm màu?!
Bên cạnh đó, chính bản thân người tiêu dùng cũng chưa có ý thức cảnh giác đối với các loại phẩm màu. Đã nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nguyên nhân do phẩm màu gây nên hay những vụ chế biến thực phẩm như tương ớt bằng phụ gia và phẩm màu không rõ nguồn gốc gây bệnh ưng thư... nhưng người tiêu dùng vẫn hàng ngày sử dụng chúng. Chỉ đến khi xảy ra nguy cơ bệnh tật, họ mới tả hoả.
Theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số ca bị ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết chiếm số lượng lớn vì trong ngày Tết, mọi người tiếp xúc nhiều với các loại mứt, bánh kẹo, hạt dưa... mà các loại thực phẩm này chứa nhiều phẩm màu.
Các thử nghiệm của cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ và Anh đã chứng minh một số phẩm màu tổng hợp là chất gây ung thư và đột biến gen, ảnh hưởng hệ thần kinh. Không chỉ thế, phẩm màu tổng hợp còn bị cấm sử dụng ở nhiều nước như allura red (đỏ), brilliant blue (xanh), sunset yellow (vàng cam), tartazine (vàng chanh)... thường có độ bền màu cao nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép dùng trong thực phẩm.
Theo một nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội, mặc dù không thích, nhưng vẫn có 63,2% người tiêu dùng ăn thức ăn nhuộm màu do bất đắc dĩ, 52,6% cảm thấy quen thuộc với màu sắc đó và 20,3% người tiêu dùng mua phẩm màu ở chợ về chế biến thức ăn.
Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng màu tự nhiên hoặc chỉ chọn những thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm nhuộm màu phải có địa chỉ và đăng ký chất lượng với cơ quan y tế.
Những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm:
Người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, sốt cao trên 38 độ C.
Cách xử trí:
- Gây nôn: bằng cách, dùng hai ngón tay để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ đưa vào gốc lưỡi (cẩn thận tránh làm xây xát miệng) để người bệnh nôn (đây là biện pháp xử lý khi người bệnh còn tỉnh táo, nhằm tống hết độc dược ra ngoài). Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.
- Cho uống nhiều dung dịch Oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa.
Nếu thấy bệnh nhân mất nước nặng, ly bì, sốt cao, hay phân có máu thì phải đưa đến bệnh viện để được truyền và điều trị kịp thời.
Hà An
Sharing is sexy
0 comments for this post
Leave a reply