'Tin tức thực phẩm, kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, món ngon, sạch, bổ dưỡng
Báo cáo Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát sau nhiều tháng kiểm tra, giám sát, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết cơ quan này đã phát hiện và xác định hóa chất Ethephon (còn gọi là “thúc chín tố”) đang bị lạm dụng để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số tỉnh, thành khác. Các thương lái đã sử dụng hóa chất này để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi của thịt.
Cục trưởng Nafiqad Nguyễn Như Tiệp cho biết, loại hóa chất này không màu, không mùi, đựng trong lọ nhựa khoảng 5 ml, trên lọ có in chữ nổi “thúc chín tố”, hoạt chất chính là Ethephon. Đây là hóa chất gốc phốt pho, có tác dụng điều hòa sinh trưởng thực vật. Theo ông Tiệp, các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon chỉ ra rằng chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ. Hóa chất này còn tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da. Riêng nguy cơ gây ung thư và tác hại lâu dài đến sức khỏe con người của chất này hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào.
Nhiều hóa chất cấm đang bị thương lái lạm dụng để bảo quản thực phẩm. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc.
"Trong sản xuất rau quả, chỉ một số nước cho phép sử dụng lượng nhỏ Ethephon có dư lượng tối đa cho phép nhằm kích thích quả chín nhanh, chín đều. Tuy nhiên, trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật, chất này hoàn toàn cấm sử dụng", ông Tiệp nói.
Cũng theo Cục này, ngoài Ethephon, kết quả giám sát còn phát hiện ra việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng gốc B- Agonist như Sallbutamol, Clenbuterol... Đây đều là những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, Sallbutamol đã bị cấm sử dụng từ năm 2002 vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi nếu con người ăn phải thực phẩm có tồn dư lớn chất này. Còn Clenbuterol sử dụng trên gia cầm kích thích đẻ trứng, cho lợn ăn để tăng trọng nhanh...
Nhìn nhận về thực trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, tại nhiều địa phương, thương lái đã cung cấp thuốc tăng trọng cho nông dân sử dụng. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ thú y hám lợi, biết là thuốc cấm nhưng vẫn lén lút bán cho nông dân hòng kiếm lời. Vì vậy, mấu chốt của khó khăn trong quản lý hóa chất là ở khâu đại lý phân phối, sản xuất gia công và người chăn nuôi.
Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm trong trồng trọt cũng diễn biến phức tạp không kém do việc sử dụng ngoài luồng thuốc bảo vệ thực vật từ nông dân. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đã xảy ra tình trạng người dân khu vực biên giới mang thuốc bảo vệ thực vật theo đường biên, gom lại cho doanh nghiệp mang về xuôi tiêu thụ. Lượng thuốc nhập lậu tiểu ngạch rất lớn và khó kiếm soát.
"Trong thời gian tới, phải kiên quyết xử lý những cá nhân, cơ sở vi phạm, truy xuất đến cùng vùng sản xuất 'bẩn'. Dù sẽ gặp phản ứng dữ dội từ nhiều phía, song không thể nhân nhượng cho một người để đầu độc nhiều người", ông Phát nói.
Nguyễn Hưng
(TNO) Lúc 9 giờ 30 phút ngày 19.9, tại km 19 quốc lộ 9 (đoạn qua xã Cam Thành, H.Cam Lộ, Quảng Trị), tổ tuần tra kiểm soát thuộc đội 1.9 (Phòng CSGT tỉnh Quảng Trị) đã cho dừng xe khách giường nằm VIP Yến Hải chạy tuyến Vientiane (Lào) - Quảng Nam mang BKS 43B-002.74, do Lâm Quang Dũng (SN 1980, trú Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) điều khiển để kiểm tra.
Lúc này, trên xe có chở theo 8 thùng xốp (3 thùng đựng đuôi bò, 5 thùng đựng móng trâu) với tổng trọng lượng khoảng trên 5 tạ không có giấy tờ hợp lệ, khi mở nắp ra thì bốc mùi hôi nồng nặc.
Lái xe khai nhận, đây là số hàng được một người khác thuê vận chuyển từ thị trấn Lao Bảo (H.Hướng Hóa) vào bến xe Đà Nẵng.
Trong khi đó, trung tá Nguyễn Văn Thủy, tổ trường tổ tuần tra cho biết: “Ngày 10.9, chúng tôi cũng đã bắt xe này khi phát hiện trên xe có 6 tạ thịt gia súc thối tương tự nhưng 9 ngày sau nhà xe đã tiếp tục vi phạm. Hiện, toàn bộ tang vật, hồ sơ vụ việc chúng tôi đã bàn giao cho Phòng Cảnh sát môi trường tiếp tục xử lý”.
Xe khách “VIP” và các thùng xốp đựng thịt thối tại cơ quan chức năng
Số đuôi bò, móng trâu hôi thối
Tin, ảnh: Nguyễn Phúc
(Dân trí) - Tương ớt giá 6.000 đồng/lít được chế biến một cách hết sức đơn giản, không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, không loại trừ bên trong các chất phụ gia dùng để chế biến tương ớt có chất Rhodamine B, thuốc nhuộm công nghiệp, cực kỳ có hại cho sức khỏe con người.
Khoảng 9h20 ngày 18/9, tổ công tác Đội 4 - Phòng CSMT phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên làm nhiệm vụ tại QL 1A (đoạn đi qua địa phận xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) phát hiện chiếc xe tải màu xanh BKS 33M-0085 có dấu hiệu nghi vấn, đã tiến hành dừng xe kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện trên thùng xe có 7 can, 1 thùng phuy chứa nhiều thực phẩm lỏng, nghi là tương ớt.
Một nồi nấu tương ớt bị phát hiện tại cơ sở của Dương Văn Đình.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe kiêm chủ hàng Dương Văn Đình (SN 1965, ở tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng, cũng như giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hóa đơn bán hàng... Chiếc xe cùng toàn bộ hàng hóa và cả chủ hàng sau đó được đưa về trụ sở CAH Phú Xuyên làm rõ.
Tại đây, Dương Văn Đình cho hay số thực phẩm trên đúng là tương ớt. Trong 7 can nhựa màu trắng, mỗi can có chứa 20 lít tương ớt và trong 1 thùng phuy nhựa màu xanh có chứa 100 lít tương ớt. Tổng cộng 240 lít tương ớt này được Đình chở từ nhà riêng (đồng thời cũng là nơi sản xuất) ở tiểu khu Phú Mỹ đi tiêu thụ.
Dưới vai trò chủ cơ sở sản xuất, Dương Văn Đình cho biết nguyên liệu để sản xuất tương ớt gồm: ớt tươi, nước, muối, mỡ. Quy trình sản xuất sơ bộ như sau: ớt tươi được ninh nhừ rồi xay nhuyễn, sau đó cho muối, mỡ vào trộn đều và cho ra tương ớt thành phẩm.
Tương ớt giá rẻ được chế biến thủ công, không đảm bảo vệ sinh.
Nguyên liệu đầu vào được cơ sở này thu mua quanh khu vực Phú Mỹ. Tương ớt thành phẩm được đưa đến các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Dương Văn Đình thừa nhận cơ sở của mình không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSANTP, cũng như không có cam kết bảo vệ môi trường.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất tương ớt của Dương Văn Đình tại tiểu khu Phú Mỹ. Những người có mặt tại buổi kiểm tra không khỏi rùng mình trước loại tương ớt được sản xuất tại cơ sở này.
Khu vực sản xuất rộng vài chục mét vuông chính là bếp của gia đình Dương Văn Đình. Nhiều thùng phuy cỡ lớn ủ men, các loại can nhựa loại 20 lít cắt ngang thân vứt lăn lóc và cả loại chai nhựa dưới 10 lít (trong danh mục nhựa cấm tái chế) treo lủng lẳng trên dây thép dưới hiên nhà, trong buồng.
Các trinh sát đã phát hiện một nồi tương ớt thành phẩm loại 50 lít để lăn lóc ngay gần khu vực than củi đen sì, không hề được che đậy, mặc cho ruồi nhặng bu vào. Một loạt các can ớt với màu đỏ đậm, nhạt khác nhau để dưới nền nhà… Kiểm đếm ban đầu cho thấy có 3 can loại 20 lít, 9 can loại 5 lít. Ngoài ra còn có 1 thùng phuy loại 100 lít đựng ớt ngâm, 1 thùng phuy đựng đậu tương ngâm, 1 máy quay trộn phụ gia tương ớt, 1 máy xay ớt và đậu tương.
Những chai tương ớt bắt mắt xuất hiện tại nhiều quán ăn.
Đặc biệt cơ quan công an đã tiến hành kiểm đếm và thu giữ 1 hộp nhựa đựng chất bảo quản (600g), 8 gói bột màu nghệ (900g), 1 gói bột màu đỏ (100g), 1 gói bột màu tím (100g) là những chất phụ gia mà vợ của Dương Văn Đình là Bùi Thị Chung thừa nhận dùng để trộn lẫn trong quá trình sản xuất tương ớt thành phẩm.
Một cán bộ Đội 4 - Phòng CSMT Hà Nội cho hay, không loại trừ các chất phụ gia này có chất Rhodamine B (chất bột màu đỏ tím, tan trong nước), vốn là thuốc nhuộm trong lĩnh vực công nghiệp và làm chất đánh dấu (thuốc nhuộm huỳnh quang) trong một số lĩnh vực khoa học, cực kỳ có hại cho sức khỏe người. Tuy nhiên, việc thực sự có chất này hay không tại cơ sở sản xuất tương ớt của Dương Văn Đình chỉ có thể kết luận sau khi có kết quả phân tích mẫu tương ớt lấy từ cơ sở này.
Bùi Thị Chung cho biết, có tổng cộng 4 loại tương ớt thành phẩm, với giá dao động chỉ từ 6.000đ - 20.000đ/lít. Hàng ngày, những chai tương ớt nhỏ trông rất bắt mắt nhưng giá chỉ vỏn vẹn có 3.000 đồng này vẫn hiện diện trên mặt bàn các quán phở, bún, miến…
Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
Tiến Nguyên
“Vỏ ngoài của những quả trứng này giống y chang trứng gà bình thường. Nhưng sau khi luộc chín, bóc ra thấy vỏ trứng dầy hơn bình thường, lòng trắng trứng có màu hồng hồng, lòng đỏ có màu vàng, có mùi tanh của trứng, bổ ra dễ dàng nhưng khi ăn thì dai dai giống như nhựa cao su", chị Trần Thị Mừng, ở khu phố 5, phường Long Bình, Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết.
Theo chị Mừng, đấy là 3 quả trứng gà chị mua ở chợ Nhỏ Long Bình, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa vào chiều 15/09, với giá 3.000 đồng/quả.
Nhìn vỏ ngoài quả trứng rất giống trừng bình thường. Ảnh do nhân vật cung cấp.
"Tôi đi chợ mua 3 quả trứng gà, về luộc lên thì cả 3 quả đều không ăn được vì bên trong trứng giống nhựa dẻo”, chị Mừng bức xúc.
Ngay khi phát hiện ra sự "khác lạ" của những quả trứng đó, chị Mừng đã mang chúng đến cửa hàng nơi chị đã mua để hỏi lại người bán hàng, thì chị được bà chủ cửa hàng cho biết "sẽ hỏi lại lò xem thế nào, còn cửa hàng không biết gì cả".
Hiện chị Mừng vẫn giữ những quả trứng giả để tiếp tục tìm hiểu thêm về sự "khác lạ" đó.
Nhưng khi bóc ra lòng đỏ trứng có màu vàng còn lòng trắng lại màu hồng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, tờ báo Thanh Niên Bắc Kinh đã làm sửng sốt dư luận khi đưa ra thông tin, từ cuối tháng 2/2009, người dân ở Hạ Môn (Phúc Kiến), Hợp Phì (An Huy), Vận Thành (Sơn Đông), Thanh Đảo... phản ánh họ đã mua phải loại trứng gà rất kỳ quái. Loại trứng này khi còn tươi trông như trứng gà thật, tuy nhiên khi nấu chín thì lòng trắng và lòng đỏ trứng trở nên rất cứng và dai như cao su, thậm chí có thể tung hứng như trái bóng bàn hoặc khi đập ra lòng đỏ trứng gà vẫn còn dính chặt với lớp vỏ trứng.
Nguồn tin Tân Hoa xã còn cho biết thông tin trứng gà giả đã xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2005.
Sau khi nhận được thông tin này, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã tiến hành xác minh, và phát hiện trứng gà giả đã có mặt tại các quầy bán trứng gà tươi.
(Theo VTC News)
Chỉ cần một thìa gia vị “lạ” khuấy đều vào 1,5 lít nước nóng, thêm một chút bột ngọt, ít muối và các loại rau củ quả sẽ có ngay nồi lẩu thơm ngon...
Cứ mỗi dịp đầu thu, chuẩn bị vào đông, lẩu trở thành món ăn khoái khẩu của thực khách Hà thành. Chính vì thế, những ngày này, “phố lẩu” Phùng Hưng (Hà Nội) hay các quán lẩu ở Hà Nội, nườm nượp khách ra vào.
Song trong lúc quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói, tấm tắc khen ngon, sẽ không mấy ai ngờ rằng hậu trường nhà hàng là công nghệ chế biến những nồi lẩu siêu nhanh + siêu tiện lợi.
Nước lẩu = Gia vị “lạ” + nước lã
Có "may mắn" được tận mắt chứng kiến cảnh pha chế nước lẩu tại một quán ăn trên phố Phùng Hưng (Hà Nội), phóng viên Giáo Dục Việt Nam mới vỡ lẽ “công nghệ” chế biến nước lẩu từ gia vị lạ + nước sôi.
Không phải mua xương về ninh nhừ để lấy nước dùng như cách chế biến lẩu thông thường, một số nhà hàng ở “phố lẩu” Phùng Hưng có bsi quyết pha chế nước lẩu nhanh đến khó tin.
Chỉ cần một thìa cà phê gia vị “lạ” khuấy đều vào 1,5 lít nước nóng, sau khi nước dậy màu thêm mì chính, ít muối và bổ sung các loại nguyên liệu rau củ quả như hành tây, cà rốt, cà chua,… nhà hàng sẽ có ngay một nồi lẩu thơm ngon.
Chỉ cần 1 thìa gia vị lẩu, nồi nước sôi bỗng chốc chuyển màu và dậy mùi chẳng khác gì nước lẩu xương thật
Cho gia vị vào nồi lẩu khuấy đều khoảng 2 phút, vị đầu bếp một nhà hàng trên phố Phùng Hưng quay ra nói với pv: “Nhấm thử đi”. PV đưa thìa múc một ít nước trong nồi và nhấm thử, vẫn cảm nhận được vị ngọt, thơm ngon nơi đầu lưỡi, nhìn kỹ màu nước giống hoàn toàn với nước lẩu thật.
“Thế nào? Thơm đúng không, đó là tôi chưa cho thêm các nguyên liệu phụ như cà chua, cà rốt,…để thêm màu sắc và tăng vị ngọt mát vốn có từ tự nhiên đấy!”, vị đầu bếp thản nhiên.
Theo tiết lộ của vị đầu bếp này, một số nhà hàng nổi tiếng hiện vẫn sử dụng các gia vị lẩu có nguồn gốc Trung Quốc, giá khoảng dưới 50.000 đồng/hộp, trong đó có một loại tên Sa Cha Sauce.
Để tăng thêm hương vị đậm đà của nồi lẩu, hầu hết các quán ăn đều cho gia vị lẩu này vào nước dùng, tuy nhiên mức độ khác nhau.
Phần lớn các quán ăn vẫn dùng xương để nấu ra nước lẩu và chỉ thêm gia vị Trung Quốc này để tăng mùi thơm hấp dẫn với liều lượng rất ít trong tổng số 10% gia vị nói chung của nồi lẩu nhưng một số nhà hàng tại Phùng Hưng lại hoàn toàn không ninh xương mà pha chế nước lẩu bằng cách cho gia vị lẩu hòa tan trong nước. Cách này lợi thế là tiện dụng, nhanh chóng.
Gia vị lẩu + nước sôi + một số loại nguyên liệu rau, củ, quả này sẽ cho "ra lò' một nồi lẩu thơm ngon mà không cần xương ống.
“Nếu để nấu một nồi lẩu tự nhiên thông thường, người đầu bếp cần rất nhiều nguyên liệu để tạo màu, tạo mùi như: tỏi, ớt, hành tây, bột ngò, tôm khô, mực khô, bột xương ống,… Quá trình hoàn chỉnh nồi lẩu mang đến ra cho khách thưởng thức sẽ rất cầu kỳ, phức tạp và tốn nhiều thời gian. Nhưng với gia vị lẩu Thái được chiết xuất từ tổng hợp các loại gia vị khác nhau, chỉ cần khuấy đều vào nước, sau vài ba phút, người ta có một nồi lẩu sẵn sàng đưa ra phục vụ khách”, anh Đ. – đầu bếp chuyên nghiệp đã từng làm tại quán ăn ở phố Phùng Hưng cho biết.
Quán nào càng đông thì khả năng sử dụng 100% gia vị lẩu + nước càng cao. Bởi lẽ, những thời điểm khách cùng lúc tới đông, không kịp chế biến, cách pha chế tiện dụng này sẽ giúp họ rút ngắn rất nhiều thời gian chế biến.
Theo ước tính của các đầu bếp, thời gian cho “ra lò” nồi lẩu dùng gia vị “lạ” + nước sẽ nhanh hơn loại lẩu ninh xương thông thường chừng 15 phút. “Nếu làm bếp, bạn sẽ thấy 15 phút đó quan trọng và làm được nhiều việc như thế nào. Bởi khi khách đến đông, chỉ cần chậm 3 phút đã “vỡ kế hoạch” rồi”.
Do đó, việc dùng gia vị lẩu thay cho xương ống chủ yếu, trước nhất bởi tính năng tiện dụng, chế biến nhanh gọn chứ không hẳn chỉ vì mục đích lợi nhuận.
Một nồi lẩu lãi... 60%
“Nếu cứ nấu như cách thông thường, mua xương về ninh, một nồi lẩu cũng lãi “khủng" được gần 200.000 đồng, do đó nhiều nhà hàng vắng khách đã sử dụng 100% gia vị lẩu.
Ngược lại, với những quán đông, khách vào nhiều do không kịp chế biến, khả năng sử dụng gia vị lẩu cũng rất lớn” – anh H., đầu bếp một quán ăn rên phố Minh Khai “bật mí”.
Cũng theo tiết lộ của đầu bếp tại một số quán bia trên địa bàn Hà Nội, mức lãi mà họ áp dụng cho nồi lẩu là 35 – 40%, thậm chí 50 - 60% so với giá gốc, trong khi tại các quán ăn bình dân, người chủ chỉ quy định mức lãi khoảng 25%.
Một nồi lẩu bán ra có giá khoảng 300.000 đồng nhưng thực chất nguyên liệu nhập vào chỉ mất khoảng 130 - 150.000 đồng/nồi.
Tùy từng mô hình nhà hàng cũng như mức độ dân trí khu vực nơi kinh doanh, chất lượng nguồn nguyên liệu nhập, mức lãi của các nhà ăn được tính bởi công thức: Giá bán ra = giá gốc + phí dịch vụ + VAT x tỷ lệ % lãi).
Ví dụ, 5kg xương ống (mua về với giá 250.0000 đồng) + 2kg xương gà (có thể là chân, cổ, đầu gà, có giá 50.000 đồng) có thể pha với 60 lít nước lã tạo ra khoảng 40 nồi lẩu.
Cùng với một số nguyên liệu như cà rốt, củ cải, hành tây, cần tỏi tây, xương cá hoặc đầu tôm (lẩu hải sản thêm mực khô, tôm khô, sò điệp khô,…), giá gốc của một nồi lẩu rơi vào khoảng 130.000 – 150.000 đồng. Trong khi đó, giá bán ra thường đội thêm tới 60% lên tới 300.000 đồng/nồi.
Đầu bếp đang pha chế gia vị lẩu với nước sôi.
“Ngày thường, lượng khách của nhà hàng tôi ước tính đạt được trên 50 nồi. Thời điểm này là đầu thu, thời tiết mát mẻ, lượng khách cũng đang rất đông. Tới đây mùa đông, chắc chắn số khách sẽ tăng lên đột biến” – anh Tiến, chủ cửa hàng bia hơi trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) cho biết.
Như vậy, tính sơ sơ với 50 nồi lẩu, trung bình mỗi ngày, nhà hàng lẩu cũng lãi khoảng 10 triệu đồng nguyên tiền nước lẩu, chưa tính tới các loại đồ ăn, thức uống khác.
Người trong nghề mới mua được gia vị “lạ”
Ngỏ ý muốn mua loại gia vị “thần kỳ” hô biến nước sôi thành nước lẩu thơm ngon mà khách hàng khó có thể nhận biết được, đầu bếp tên H. lắc đầu: “Bạn đeo kính cận như thế, cứ thử ra chợ mua xem, tôi cược là họ sẽ không bán cho bạn”.
Theo anh H., các loại gia vị lẩu này hầu hết có bán tại các tiệm tạp hóa, hàng khô của chợ Đồng Xuân và chợ Hôm hoặc một số đại lý bán lẻ nhưng “chỉ người trong ngành mới mua được”. Bởi người bán sẽ cẩn trọng nhìn người và dựa trên kinh nghiệm của mình “dò xét” đối phương xem có phải đầu bếp thực thụ không, có đọc được tên được sản phẩm không (tên phiên âm của Trung Quốc như hảo xỉn, sa chà...) trước khi trao tay thứ gia vị “lạ” mà ai cũng biết là “chất cấm” ấy.
Các chai nước gia vị lẩu được cất kỹ trong các kệ hàng của người bán hàng khô, chỉ người trong nghề mới mua được.
“Thông thường các bếp trong nhà hàng đều được xây ở vị trí kín và hầu như không cho phép khách hàng ra vào tự do. Mỗi đầu bếp thường mặc một chiếc áo - tạp dề rộng với nhiều túi phía trước ngực để bỏ các loại gia vị vào, mỗi lần lấy cho nhanh.
Hơn nữa, một nguyên tắc dường như “bất di bất dịch” là không khi nào, họ trưng nhãn mác các loại nguyên liệu ra cho mọi người thấy. Đặc biệt là các loại gia vị đều được cắt vỏ bao bì đi và bỏ trong các âu, chai, lọ nhỏ để sử dụng” – anh H. nói.
Để kiểm chứng lời của anh H, phóng viên đã ra chợ Đồng Xuân hỏi mua những loại gia vị này. Sau ánh mắt tỏ vẻ nghi ngờ, lấm lét nhìn của các bà bán hàng, tất cả đều lắc đầu trả lời không có. Cho tới khi pv nhờ một bạn nam trông ra dáng đầu bếp tới hỏi mua thì những người bán hàng mới lôi trong góc kệ hàng ra một bịch chai dung dịch màu nâu và rao giá bán 30.000 đồng/lọ.
Loại gia vị phổ biến dùng cho các phố lẩu có xuất xứ tại Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, lọ gia vị này giống như một lọ nước tương, trên nhãn mác có đề chữ “Sa Cha Sauce” và thông tin hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, không hề có nhãn mác phụ đề tiếng Việt theo quy định của Bộ Y tế.
Bản thân những người làm đầu bếp thừa nhận: Họ phần nào đó cũng nhận biết được tác hại của các loại gia vị Trung Quốc bởi tất cả gia vị Trung Quốc đều bị cấm sử dụng trong các nhà hàng ăn.
“Tôi cũng thừa biết thực phẩm tự nhiên, tươi sống bao giờ cũng là tốt nhất. Sử dụng gia vị Trung Quốc có mặt trái đó là việc chứa chất bảo quản nhằm mục đích giữ cho gói/hộp gia vị sử dụng được lâu, có loại chỉ 1 tháng hay 15 ngày nhưng cũng có loại hạn dùng từ 1 – 2 năm. Nhưng mặt khác, nó tiện dụng, hơn nữa, người tiêu dùng Việt cứ thích ăn ngon, nước lẩu xương không thì cứ kêu là nhạt nên chúng tôi vẫn dùng gia vị này như một "bí quyết" để tăng thêm độ đậm đà cho nước lẩu”, một đầu bếp tại Hà Nội nhận xét.
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho rằng: Mặc dù không biết mức độ độc hại của các loại gia vị lẩu đó như thế nào khi chưa phân tích, kiểm định nhưng nếu nó không nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế thì chắc chắn không được lưu hành. Việc làm ăn gian dối của các cửa hàng có thể đang từng ngày làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Một số loại lẩu có khả năng cao sử dụng chất phụ gia
- Lẩu thập cẩm: Theo các đầu bếp, lẩu này thường dùng nguyên liệu không tươi sống, sử dụng “hàng tồn”, hàng thừa trong ngày, đổ nháo nhào vào lẩu thập cẩm. Do đó cần sử dụng gia vị lẩu để át mùi hôi.
- Lẩu hải sản: Các loại hải sản hầu hết đều có vị rất tanh, vì vậy gia vị lẩu cũng là thứ không thể thiếu để tạo mùi thơm ngon, lấn át vị tanh này.
- Lẩu bò, bê: Bò, bê thường hôi, hơn nữa, thời gian để ninh một nồi nước xương bò rất lâu, khoảng 10 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, bảo quản thịt bò, thịt bê cần nhiều yếu tố khá phức tạp. Vì vậy, khả năng sử dụng gia vị để rút ngắn thời gian, hút mùi hôi là rất lớn.
(Theo Giáo dục Việt Nam)
(TNO) Ngày 15.9, ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Cam Chính (H.Cam Lộ, Quảng Trị) xác nhận vừa có một người tử vong vì ăn tiết canh lợn trên địa bàn. Nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Tính (SN 1979, trú thôn Thiết Xá).
Được biết, do thấy khó chịu sau khi ăn tiết canh tại xã Cam Nghĩa từ hôm trước, anh Tính được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị rồi chuyển vào Bệnh viện T.Ư Huế.
Người nhà anh Tính cho hay, các bác sĩ tại Bệnh viện T.Ư Huế nhận định anh Tính bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Do tình trạng bệnh quá nặng nên anh Tính đã được chuyển về nhà, đến sáng 15.9 thì tử vong.
Nguyễn Phúc
(TNO) Rạng sáng nay (15.9), lực lượng kiểm tra liên ngành của phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 1 vụ vận chuyển, giết mổ gia súc lậu với số lượng lớn đem đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn TP Biên Hòa và TP.HCM.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vụ vận chuyển 1,3 tấn thịt heo lậu
Khoảng 1 giờ 30 sáng 15.9, lực lượng thú y TP Biên Hòa phối hợp với UBND phường Tam Hòa đã kiểm tra đột xuất tại lò mổ của hộ ông Nguyễn Văn Lộc, ngụ tại KP1, phường Tam Hòa đang tổ chức giết mổ heo nhưng không có giấy phép. Tại đây đoàn kiểm tra phát hiện có hơn 200kg thịt đã được giết mổ, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ nhưng không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều người khác đang vận chuyển 1,3 tấn nội tạng heo gồm bì da, óc, lòng… được thu mua từ các cơ sở giết mổ lậu, không rõ nguồn gốc đang trên đường vận chuyển về chợ Tam Hòa và TP.HCM tiêu thụ. Hiện số thịt này đã bị Trạm thú y Biên Hòa lập biên bản và tiêu hủy theo quy định.
Tin, ảnh: Kim Cương